Với vẻ đẹp của sắc xanh tuyệt mỹ, viên kim cương Hy vọng kể từ khi xuất hiện đã làm chao đảo giới đam mê kim cương và cả những tên trộm đá quý. Nhưng lý do nó nổi tiếng toàn thế giới lại là bởi lịch sử đầy chết chóc mà nó đã gây ra cho những người chủ của mình.

Viên kim cương Hy vọng là một món đồ trang sức nổi tiếng có trọng lượng 45,52 carat và một màu xanh đen đặc biệt quý hiếm. Cho đến nay đã trải qua gần 4 thế kỷ nhưng viên kim cương này vẫn giữ được sức hút cực kỳ lớn không chỉ bởi vẻ đẹp, độ quý giá mà còn cả những câu chuyện kỳ bí xung quanh. Nhưng viên kim cương này thực sự mang một lời nguyền, một nguồn năng lượng tiêu cực hay chỉ đơn giản là những tác nhân liên quan đã cố tình khơi gợi cho nó một câu chuyện để thu hút sự quan tâm của công chúng thì đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải được. Nhưng dù thế nào thì với vẻ đẹp và những câu chuyện thương tâm mà viên kim cương này  gây ra khi qua tay nhiều chủ sở hữu đã biến nó trở thành viên kim cương “danh bất hư truyền”.

truyen-thuyet-chua-co-loi-giai-cua-vien-kim-cuong-hy-vong

Viên kim cương tai ương nổi tiếng mang tên Hy vọng

Truyền thuyết ly kỳ ấy được bắt đầu khi Jean Baptiste Taverniner – một nhà buôn đá quý kiêm nhà thám hiểm người Pháp đi du ngoạn Ấn Độ và tìm thấy một viên kim cương màu xanh. Không ai biết ông tìm thấy viên đá quý này bằng cách nào, nhưng đã có người đồn rằng Jean Baptiste Taverniner đã lấy nó từ con mắt của tượng thần Sita, và có thể đó là nguyên nhân khiến viên kim cương mang một lời nguyền ghê rợn trong suốt hơn 300 năm qua.

Năm 1668, Tavernier đã bán lại viên kim cương này cho vua Luis XIV cùng với nhiều viên kim cương lớn nhỏ khác. Ngay sau đó, trong một lần quay trở lại Ấn Độ, Tavernier đã gặp một thảm kịch lớn, có người nói rằng ông đã bị một bầy chó sói tấn công.

Còn về vua Luis XIV, ngay sau khi có được viên đá ông đã ra lệnh cho thợ kim hoàn hoàng gia Sieur Pitau cắt gọt mài giũa để tăng độ sáng bóng và đặt tên cho nó là viên “kim cương xanh của nước Pháp”.

Viên kim cương ấy được truyền qua đời vua Luis XV và XVI cùng vợ của ông là Hoàng hậu Marie Antoinette. Tuy nhiên, khi Cách mạng Pháp nổ ra năm 1789, Luis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinette đã bị chết dưới máy chém của quân cách mạng, viên kim cương bị đánh cắp.

Công chúa Marie Louise xứ Savoy là bạn thân của Hoàng hậu cũng nhiều lần mượn đeo viên kim cương và cũng tránh khỏi kết thúc dưới lưỡi máy chém. Đó là 3 trong số những nạn nhân đầu tiên hứng chịu lời nguyền chết chóc từ viên kim cương.

Sau một thời gian không rõ tung tích, năm 1813 viên kim cương đã thuộc quyền sở hữu của Henry Philip Hope – chủ một gia đình quý tộc người Anh, kể từ đó nó được đặt tên là viên kim cương Hy vọng. Lời nguyền sau đó đã ứng lên người cháu của ông là Ngài Francis Hope, gia đình phá sản, vợ bỏ theo người khác còn Francis chết dần trong sự nghèo đói.

Rồi lại không rõ nguyên nhân, viên kim cương trở thành vật sở hữu của hoàng tộc Nga – hoàng tử Ivan Kanitovsky. Sau đó, ông tặng lại cho tình nhân của mình là Lorens Ladue một vũ công ballet xứ Folies Bergières.

Ngay đêm đầu tiên đeo viên kim cương này, Lorens Ladue đã bị bắn chết. Hai ngày sau, hoàng tử cũng bị đâm chết bởi tay những người theo cách mạng.

Càng về sau, càng có nhiều người trở thành nạn nhân hứng chịu lời nguyền chết chóc của viên kim cương này: một chủ sở hữu người Hy Lạp, Ngài Simon Montharides cùng gia đình đã qua đời trong một tai nạn giao thông vì xe đâm vào vách đá.

Sultan Abdul Hamid II – người đứng đầu đế chế Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh cũng bị người em của mình truất ngôi năm 1909 và buộc đi lưu vong chỉ vì sở hữu viên kim cương trong một thời gian ngắn.

Viên kim cương Hy vọng được chuyển tới Mỹ và gây ra một thảm kịch lớn cho gia đình nhà chế tác kim hoàn Pierre Cartier.

Bất chấp nhiều cái chết thương tâm được gây ra bởi viên kim cương, quý bà Evalyn Walsh McLean – nữ thừa kế nổi tiếng ở New York lúc bấy giờ vẫn coi nó là bùa may mắn và cố gắng mua lại từ gia đình Pierre Cartier. Tuy nhiên, điều may mắn không duy trì được bao lâu khi mà chồng bà bỏ theo người khác, người con gái tự tử còn người con trai qua đời vì tai nạn giao thông.

truyen-thuyet-chua-co-loi-giai-cua-vien-kim-cuong-hy-vong

Quý bà Evalyn Walsh McLean và viên kim cương Hy vọng

Năm 1947, bà McLean qua đời, nhà buôn đá quý người Mỹ Harry Winston đã mua lại viên kim cương và tặng nó cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian tại Washington năm 1958. Nhờ đó, bảo tàng này thu hút thêm được rất nhiều lượt khách tham quan.

truyen-thuyet-chua-co-loi-giai-cua-vien-kim-cuong-hy-vong

Nhà kim hoàn nổi tiếng người Mỹ Harry Winston

Từ khi được yên vị trong bảo tàng cho đến nay, không thuộc sở hữu của bất kỳ ai thì có vẻ như viên kim cương Hy vọng không thể gây thêm tai họa cho một người nào nữa.

Trên thực tế, nhiều người sở hữu viên kim cương này lại hoàn toàn bình an, điển hình như nhà kim hoàn Harry Winston đã trực tiếp mua nó hay Ngài Pierre Cartier.

Nhưng dù viên kim cương Hy vọng kia có mang lời nguyền thực sự hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên của những nạn nhân thì nó cũng trở thành một viên kim cương kỳ bí và hấp dẫn con người nhất từ trước tới giờ.

 

Xem thêm:

Chuyện ít biết về viên kim cương lớn nhất thế giới… giá 2 tỷ đô

Chiêm ngưỡng những viên kim cương đắt nhất thế giới

Những viên kim cương màu nổi tiếng thế giới